Ngoài bún ngô, cơm gà, bánh xèo nức tiếng gần xa thì bánh canh hẹ Phú Yên cũng là một điểm độc đáo khi nhắc đến ẩm thực nơi đây. Ngày nay, món ăn này đã theo chân những người con xứ Nẫu, du nhập vào nhiều tỉnh thành trên cả nước và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, món canh hẹ chỉ trọn vẹn khi được thưởng thức ở Phú Yên với cái nắng gió đặc trưng của vùng đất ven biển.
Dạo quanh những con đường thơ mộng của Phú Yên bất cứ lúc nào, thực khách không khó để bắt gặp những quán bán bánh canh hẹ từ bình dân đến cao cấp. Nhiều du khách nhận xét đây là món ăn đơn giản nhưng có hương vị đậm đà.
Quả thật, để có một tô bánh canh hẹ, đòi hỏi người làm biển phải đặt hết sự công phu, tỉ mỉ trong từng sợi bánh canh, nước dùng cũng như những viên chả cá biển đi kèm. Được thiên nhiên ưu đãi với nguồn hải sản phong phú, người dân Phú Yên không dùng xương, thịt lợn để nấu nước dùng như một số nơi khác mà nấu bằng cá biển. Vì vậy, bánh canh hẹ nói riêng cũng như các món ăn của Phú Yên nói chung sẽ mang vị ngọt tự nhiên, phảng phất chút dư vị của biển.
Đúng như tên gọi, món ăn gây ấn tượng mạnh với thực khách bởi một màu xanh mát của hẹ bao phủ khắp bát. Việc cho thêm lá hẹ nhằm mục đích khử bớt mùi tanh trong nước dùng và giúp món ăn thơm hơn.
So với các vùng khác chuộng hành lá thì người Phú Yên lại ưu tiên dùng lá hẹ trong món ăn của mình. Lá hẹ đã trở thành một nguyên liệu không thể thiếu và là một nét đặc trưng khi nhắc đến ẩm thực của xứ Nẫu.
Điểm khác biệt của món canh hẹ Phú Yên nằm ở hương thơm và hình thức bên ngoài. Cụ thể, loại hẹ này trông giống như cỏ lá kim, có màu xanh và có mùi hương đặc trưng, nồng hơn hẹ lá to ở miền Nam. Ngoài ra, chả cá dai ngon được làm từ những con cá biển được lựa chọn kỹ càng, tẩm ướp gia vị, giã nhỏ và chiên cho đến khi chín vàng cũng là nét độc đáo của món canh hẹ.
Hơn nữa, thực khách sẽ không khỏi ngạc nhiên vì chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ khoảng 10.000 đến 15.000 đồng là đã có ngay một tô bánh canh hẹ thơm ngon, đầy đủ chất. Cách nấu canh hẹ không quá phức tạp, ai cũng có thể làm được nếu tìm được đầy đủ các nguyên liệu.
Có dịp thưởng thức bánh canh hẹ tại một quán ăn (chủ quán Phú Yên) nằm trên địa bàn quận Tân Phú, người viết ngay lập tức bị “choáng ngợp” bởi màu xanh mướt bao phủ khắp tô và có chút ngần ngại khi nếm thử.
Tuy nhiên, gắp một miếng bánh chưng với chả cá và nhấm nháp chút nước dùng và lá hẹ, người viết hoàn toàn bị chinh phục bởi sự hài hòa đáng ngạc nhiên trong hương vị của món ăn. Theo bà chủ, phần xương cá ninh với nước dùng đã được thay bằng xương heo và nêm nhạt hơn, ít lá hẹ để phù hợp với khẩu vị của nhiều người.