Tính từ ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021, khi chỉ số VNINDEX đóng cửa ở mức 1.498 điểm, thì kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, chỉ số VNINDEX đã giảm xuống mức 1.172 điểm, tức giảm khoảng 326 điểm. Trước sức ép từ thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các công ty vốn hóa lớn cũng giảm mạnh so với đầu năm, kéo theo vốn hóa công ty giảm mạnh.
Tính riêng tổng vốn hóa thị trường của 20 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn đã giảm 609 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương khoảng 17%.
Chỉ có 4 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng vốn hóa trong top 20 theo vốn hóa là GAS, BSR, MWG và SAB. Hưởng lợi từ việc giá xăng dầu tăng cao, hai công ty dầu khí là GAS và BSR có giá trị vốn hóa tốt nhất thị trường trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, vốn hóa của GAS tăng 45 nghìn tỷ đồng lên 229 nghìn tỷ đồng, vươn từ top 8 về vốn hóa lên vị trí thứ 4 trong khi BSR tăng 15 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, vốn hóa thị trường của BSR trong vòng 1 năm rưỡi kể từ đầu năm 2020 đến nay đã tăng gấp 1,8 lần từ 31 nghìn tỷ đồng lên 87 nghìn tỷ đồng.
Vốn hóa của MWG cũng tăng 11% kể từ đầu năm 2021 và tăng gấp đôi so với năm 2020. Trong khi SAB tăng nhẹ từ đầu năm 2021, so với năm 2020 đã giảm 20%.
Trong số 16 doanh nghiệp còn lại, doanh nghiệp giảm vốn hóa nhiều nhất là “vua thép” HPG. Tính từ đầu năm đến nay, vốn hóa của HPG đã chiết khấu hơn 55% giá trị, chỉ còn 93 nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Hòa Phát và Vinamilk là hai doanh nghiệp giảm giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường với tốc độ giảm hơn 32% về giá trị.
Tính đến cuối năm 2021, trên sàn có 3 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 300 nghìn tỷ đồng là VCB, VIC và VHM, nhưng tính đến ngày 17/6, chỉ có VCB là còn giá trị vốn hóa trên 300 nghìn tỷ đồng. trong khi VIC và VHM lần lượt giảm xuống 285 nghìn tỷ đồng và 283 nghìn tỷ đồng.
Số doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên 100 nghìn tỷ đồng giảm từ 14 doanh nghiệp xuống còn 13 doanh nghiệp với sự xuất hiện của nhân tố mới MWG, trong khi HPG và GVR đứng ngoài top đầu khi vốn hóa giảm chỉ còn 93 nghìn tỷ và 87 nghìn tỷ đồng.